Mức phạt vi phạm giao thông sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Khi bị lập biên bản vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ có nhiều lựa chọn để nộp phạt, bao gồm nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp qua ngân hàng thương mại có liên kết với Kho bạc Nhà nước.
Mục lục
Hướng dẫn cách tra cứu vi phạm giao thông
Phạt nguội là thuật ngữ để chỉ hành vi vi phạm giao thông được phát hiện thông qua:
- Các thiết bị kỹ thuật chuyên nghiệp của lực lượng chức năng
- Các thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức
- Những thông tin, hình ảnh đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội mà tại thời điểm vi phạm, lực lượng chức năng không dừng xe để xử lý ngay
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phạt nguội là việc xử phạt vi phạm giao thông sau khi cá nhân hoặc tổ chức vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm được một thời gian, vì thế nộp phạt vi phạm giao thông ở đâu rất được nhiều người quan tâm
Cách tra cứu phạt nguội
Có 4 cách tra cứu phạt nguội đơn giản giúp người tham gia giao thông biết mình có bị phạt nguội hay không:
- Cách 1: Tra cứu trên website của Cục Cảnh sát giao thông
Bước 1: Truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông, chọn phần tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Bước 2: Nhập chính xác thông tin biển số xe, chọn loại phương tiện tương ứng và nhập mã bảo mật theo yêu cầu. Bước 3: Bấm vào mục “Tra cứu”.
Nếu phương tiện không có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị “Không tìm thấy kết quả”. Nếu phương tiện có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị số lần vi phạm.
- Cách 2: Tra cứu trên website Phòng CSGT Công an các tỉnh thành phố
- Cách 3: Tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử của Công an các tỉnh, thành phố
- Cách 4: Tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử của Cục CSGT
Nộp tiền phạt vi phạm giao thông ở đâu?
Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:
- Hình thức 1: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.
- Hình thức 2: Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Hình thức 3: Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam.
Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo các hình thức trên hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông
Thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông như sau:
- Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đặt trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức 2 và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ.
- Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả.
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
- Trường hợp nộp chậm tiền phạt theo quy định, thì cơ quan thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt.
- Quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt, giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt, nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
- Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.
Tóm lại, VinFast đã cung cấp cho bạn thông tin về việc nộp phạt vi phạm giao thông là một trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Người vi phạm nên chấp hành đúng các quy định của pháp luật, nộp phạt đúng thời hạn và tại địa điểm được quy định để tránh những hậu quả không mong muốn. Việc nộp phạt không chỉ giúp người vi phạm trả giá cho lỗi vi phạm của mình mà còn góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn cho cộng đồng.