Hình thức thanh toán mã QR được nhiều Doanh nghiệp Bán lẻ áp dụng vì tính thuận tiện, nhanh chóng và bảo mật. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu 3 loại mã QR nhận thanh toán Doanh nghiệp Bán lẻ nên sử dụng để tối ưu hóa quy trình thanh toán và phục vụ khách hàng hiệu quả.
Mục lục
1. QR tĩnh (Static QR code)
Mã QR tĩnh là mã QR lưu trữ thông tin cố định và không thay đổi nội dung. Mã QR tĩnh nhận thanh toán chứa thông tin ngân hàng nhận tiền, số tài khoản và tên chủ tài khoản. Sau khi tạo mã QR tĩnh thành công, thông tin của mã QR sẽ không thể thay đổi.
Mã QR tĩnh thường được các Doanh nghiệp Bán lẻ in và trưng bày tại cửa hàng để nhận thanh toán. Người mua sau khi quét mã sẽ phải tự điền số tiền cần thanh toán và nội dung chuyển khoản.
Ưu điểm của mã QR tĩnh là chỉ với một lần tạo, mã QR này có thể sử dụng được nhiều lần mà không cần tạo lại. Vì vậy, Doanh nghiệp Bán lẻ có thể in và trưng bày mã QR tại cửa hàng giúp người mua thanh toán chỉ với một lần quét, tiết kiệm thời gian cho cả thu ngân và khách hàng.
Nhược điểm duy nhất của hình thức thanh toán mã QR dạng tĩnh là có thể gặp khó khăn trong đối soát doanh thu và tra cứu giao dịch vì mã QR không chứa thông tin đơn hàng. Hiểu được khó khăn này, hiện một số ngân hàng lớn như Techcombank đã cung cấp Giải pháp nhận thanh toán QR cho Doanh nghiệp Bán lẻ, giúp phân tách doanh thu từ từng cửa hàng, tra cứu giao dịch dễ dàng ngay trên Ngân hàng số Techcombank Mobile.
2. QR động (Dynamic QR code)
Mã QR động là loại mã QR có khả năng thay đổi thông tin liên kết. Mã QR động nhận thanh toán được tạo theo từng đơn hàng, chứa sẵn thông tin thanh toán của đơn hàng tương ứng, bao gồm số tài khoản, tên người/đơn vị thụ hưởng, ngân hàng thụ hưởng, số tiền và nội dung giao dịch.
Mã QR động được tạo trực tiếp trên phần mềm bán hàng có tính năng liên kết với tài khoản thanh toán. Khi khách hàng thanh toán thành công qua mã QR động, phần mềm bán hàng sẽ tự động làm trống hóa đơn, đồng thời hiện thông báo nhận thanh toán thành công.
Nhận thanh toán qua mã QR động giúp chủ Doanh nghiệp Bán lẻ quản lý cửa hàng từ xa hiệu quả, nhân viên dễ dàng kiểm kê và báo cáo doanh thu cuối ngày, đối soát giao dịch nhanh chóng, giảm thao tác vì đã có phần mềm bán hàng.
Xem thêm: Hướng dẫn 3 cách tạo mã QR Code miễn phí, nhanh chóng
3. QR bán động (Semi-dynamic QR code)
Mã QR bán động chứa các thông tin thanh toán như mã QR tĩnh, tuy nhiên người bán có thể điền trước số tiền cần thanh toán và nội dung chuyển khoản. Sau khi điền, mã QR được mặc định tạo riêng cho từng đơn hàng.
Với mã QR bán động, thu ngân có thể tạo cú pháp chuyển khoản riêng để đối soát cuối ngày thuận tiện hơn. Cách làm này vừa tận dụng được ưu điểm của mã QR động, nhưng vẫn tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư máy móc và phần mềm bán hàng.
Trên đây là định nghĩa, ưu điểm cũng như nhược điểm của hình thức nhận thanh toán bằng mã QR tĩnh, mã QR động và mã QR bán động. Các Doanh nghiệp Bán lẻ có thể dựa vào nhu cầu sử dụng để lựa chọn loại hình mã QR nhận thanh toán phù hợp.