Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm mốc,… Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao, kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng trên hệ thống thần kinh trung ương. Mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây. Mẹ cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt?
Khi trẻ bị sốt, mẹ có thể áp dụng các biện pháp dưới đây nhằm đưa thân nhiệt của trẻ về mức bình thường.
1.1. Bổ sung nước và điện giải cho bé
Khi bị sốt, cơ thể mất một lượng lớn nước và điện giải qua mồ hôi, nước tiểu. Do đó, bổ sung nước và điện giải cho trẻ được đánh giá là biện pháp hạ sốt an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện tại nhà cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ không được tự ý bổ sung nước cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, mẹ nên cho bú đầy đủ, tăng cữ bú và thời gian bú nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước và điện giải cho bé.
1.2. Lau người bằng khăn ấm
Việc lau người bằng khăn ấm không chỉ giúp giảm bớt nhiệt độ cơ thể mà còn giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ dùng khăn ấm lau toàn bộ cơ thể trẻ, tập trung vào các vị trí như trán, thái dương, nách, bẹn. Tiếp tục thực hiện trong vòng 15 – 20 phút cho đến khi thân nhiệt của bé hạ xuống 37 độ C.
1.3. Thay quần áo thoáng mát cho trẻ
Một trong những cách hạ sốt hiệu quả cho trẻ mà mẹ không nên bỏ qua đó là cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Kể cả khi trẻ cảm thấy lạnh mẹ cũng không nên mặc cho trẻ một lớp quần áo dày. Điều này làm cản trở quá trình thoát nhiệt của cơ thể. Mẹ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát để thể tỏa bớt nhiệt, nhanh hạ sốt.
Theo các chuyên gia, mẹ không nên cho trẻ đóng bỉm khi bị sốt cao trên 38 độ. Thay vào đó, mẹ nên dùng miếng lót sơ sinh, khăn xô lót xuống phía dưới. Nếu trẻ sốt dưới 38 độ, mẹ vẫn có thể mặc bỉm quần và bỉm dán cho bé. Ưu tiên chọn bỉm nào mỏng thấm hút tốt để không gây hầm bí, làm tăng nhiệt độ ở mông trẻ.
1.4. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng
Để trẻ phục hồi nhanh chóng, mẹ cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, ổi, dâu tây,… Ngoài ra, mẹ nên cho trẻ ăn các món ăn mềm, lỏng, dễ ăn như cháo, súp,…
1.5. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Các biện pháp đã trình bày ở trên chỉ phát huy hiệu quả khi trẻ sốt nhẹ, dưới 38 độ. Trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Hai loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến hiện nay là:
- Paracetamol: Liều dùng từ 10 – 15 mg/kg/lần và không quá 60 mg/kg/lần. Khoảng cách giữa 2 lần đưa thuốc là 4 – 6 giờ.
- Ibuprofen: Liều dùng từ 7 – 10 mg/kg mỗi 6 – 8 giờ. Chống chỉ định trong các trường hợp sốt xuất huyết, trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng; trẻ bị hen suyễn, co thắt phế quản…
Ibuprofen có nhiều tác dụng phụ hơn so với Paracetamol nên thuốc này ít được sử dụng, nhất là khi tỷ lệ sốt xuất huyết tại Việt Nam ở mức khá cao. Cả 2 loại thuốc hạ sốt Paracetamol và Ibuprofen đều có nhiều hàm lượng và dạng bào chế khác nhau. Vì vậy, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ hoặc người có chuyên môn để sử dụng đúng cách, tuyệt đối không được tự ý kết hợp 2 loại thuốc trên để hạ sốt tại nhà cho bé.
Mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu trẻ thuộc một trong các đối tượng sau:
- Trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi sốt từ 38 độ trở lên trong 3 ngày.
- Trẻ sốt trên 40 độ.
- Trẻ sốt kèm theo nổi ban da.
- Trẻ có tiền sử bệnh tim, ung thư, bệnh lupus.
2. 3 sai lầm mẹ thường mắc phải khi hạ sốt tại nhà cho trẻ
Trong quá trình hạ sốt cho trẻ tại nhà, mẹ thường mắc phải một số sai lầm sau:
- Chườm lạnh: Biện pháp này có thể khiến lỗ chân lông bị co lại khiến quá trình thoát nhiệt của cơ thể trở nên khó khăn hơn. Không những thế, chườm lạnh còn làm gia tăng nguy cơ trẻ bị bỏng lạnh và suy hô hấp.
- Không đo nhiệt độ bằng nhiệt kế: Một số mẹ chủ quan chỉ dùng bàn tay mình áp lên trán trẻ mà không đo lại bằng nhiệt kế. Khi cảm thấy thân nhiệt của trẻ nóng hơn bình thường là mẹ đã khẳng định ngay trẻ bị sốt.
- Tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt: Trong trường hợp thân nhiệt của trẻ không có dấu hiệu giảm, nhiều mẹ đã tự ý cho trẻ sử dụng thêm một loại thuốc hạ sốt khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Điều này có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc và gây nguy hiểm cho trẻ.
Qua bài viết, mong rằng mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc xử lý và chăm sóc trẻ bị sốt đúng cách. Nếu mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào có thể để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để được giải đáp sớm nhất nhé!