Chân vòng kiềng là tình trạng hai chân cong, tạo ra một khoảng không rộng hơn bình thường giữa hai đầu gối và cẳng chân. Nhiều mẹ luôn lo lắng liệu bé có bị chân vòng kiềng hay không? Khi nào cần đến bác sĩ thăm khám? Những thông tin dưới đây sẽ cho các mẹ có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ.
Mục lục
1. Nguyên nhân bé bị vòng kiềng
Chân vòng kiềng có thể xuất phát từ cả nguyên nhân sinh lý, bệnh lý hoặc do các tác động khác. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị chân vòng kiềng mà các mẹ nên biết:
Vòng kiềng sinh lý
Vòng kiềng sinh lý xảy ra ngay khi bé còn trong bụng mẹ. Lúc này, em bé cần phải xoay và cong chân sao cho phù hợp với không gian chật hẹp trong tử cung. Chính vì vậy, bé có thể bị chân vòng kiềng sau khi chào đời. Đây được xem là điều bình thường trong giai đoạn phát triển của bé dưới 2 tuổi, theo thời gian chân bé sẽ thẳng mà không cần bất cứ sự can thiệp nào.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền tuy không phổ biến nhưng vẫn tồn tại, thực tế có những trường hợp các bé bị chân vòng kiềng là do bẩm sinh. Nếu cha mẹ bị chân vòng kiềng thì con sinh ra cũng có nguy cơ bị tật này. Hiện nay, vòng kiềng do di truyền chưa có biện pháp cải thiện ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ có thể chờ bé đủ tuổi để cân nhắc phẫu thuật chỉnh hình nếu thực sự phù hợp.
Do bệnh Blount
Blount là một sự phát triển dị dạng ở ống chân của trẻ, hay còn gọi là tật vẹo cổ chân. Tình trạng này xảy ra trong giai đoạn khi bé tập đi quá sớm hoặc ở những bé bị thừa cân, làm cho đĩa sụn tăng trưởng nằm ở đầu trên xương chày bị tổn thương và phát triển không bình thường. Bệnh Blount không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến bé gặp vấn đề về khớp gối kể cả khi bé đã khôn lớn. Bệnh Blount có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, phụ thuộc vào tuỳ mức độ cũng như độ tuổi của bé. Có một số trường hợp cần can thiệp chỉnh hình, tuy nhiên lại có trường hợp tự cải thiện mà không cần điều trị.
Bé bị còi xương
Bệnh còi xương xảy ra khi bé bị thiếu hụt vitamin D trong thời gian dài hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Lúc này bé dễ bị còi xương, xương khớp yếu hơn bình thường, chân không thể chịu được trọng lượng của cơ thể dồn xuống trong hoạt động đi lại hằng ngày. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng chân cong vẹo, vòng kiềng. Các mẹ nên chú ý bổ sung vitamin trong bữa ăn và cho bé phơi nắng vào những buổi sáng sớm để bé được phát triển khoẻ mạnh.
Tập đứng quá sớm
Từ 7 đến 9 tháng tuổi, nhiều bậc cha mẹ đã cho bé tập đứng quá thường xuyên. Để đứng trong tư thế “ép” của bố mẹ, bé thường phải cúi người hoặc kiễng chân vì hai bàn chân không thẳng hàng với trục của chi dưới. Ngoài ra, xương chân của bé vẫn đang phát triển và chưa đủ cứng để nâng đỡ toàn bộ cơ thể bé trong một thời gian dài. Do đó, ống chân dễ bị ảnh hưởng bởi sức nặng và dễ bị vòng kiềng.
Ngoài ra nếu mẹ lo lắng không biết việc đóng bỉm cho bé có ảnh hưởng gì đến việc chân bé bị vòng kiềng không thì hãy đọc ngay bài viết Đóng bỉm cho trẻ sơ sinh có bị vòng kiềng từ chuyên gia nhé!
2. Dấu hiệu giúp mẹ nhận biết bé bị chân vòng kiềng
Có 3 dạng chân vòng kiềng phổ biến giúp mẹ có thể nhận biết bé nhà mình có thể bị chân vòng kiềng hay không.
- Chân vòng kiềng chữ X: Trong trạng thái đứng thẳng, hai mắt cá chân của bé không thể chạm vào ngay, trong khi phần đầu gối lại có xu hướng cong và có thể chạm nhau.
- Chân vòng kiềng chữ O: Ở dạng này, khi bé đứng thẳng, hai mắt cá chân chạm nhau nhưng phần đầu gối sẽ cong vòng ra ngoài.
- Chân vòng kiềng chữ XO: Dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là khi hai chân bé cong hướng ra ngoài, hai mắt cá chân chạm vào nhau.
Khi bé chuẩn bị học cách đi, chân vòng kiềng thường bắt đầu xuất hiện. Ở thời điểm này, cha mẹ phải chú ý quan sát con mình để phát hiện những dấu hiệu ban đầu về chân vòng kiềng cho trẻ. Ngoài ra, khi bé bắt đầu hoạt động nhiều, mẹ cũng cần cân nhắc có nên chuyển loại bỉm cho bé hay không. Tham khảo thêm thông tin về thời gian đổi bỉm cho bé tại bài viết mấy tháng mặc được tã quần.
3. Khi nào mẹ cần đưa bé tới bác sĩ?
Cha mẹ không nên chủ quan nếu tình trạng chân vòng kiềng không cải thiện hoặc phát triển nặng hơn. Hãy đến ngay các cơ sở uy tín khi thấy bé có nhiều dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Bé đi khập khiễng, khó khăn trong việc đi khi đi lại mặc dù trước đó bé không bị té hay va đập mạnh vào chỗ nào.
- Hai chân bé bất đối xứng theo thời gian xảy ra ở chân vòng kiềng chữ X ở một chân, khiến bé đi khập khiễng chân cao thấp.
- Bé thường xuyên đau đớn. Đặc biệt là phần hông, mắt cá chân và bàn chân bị đau nhức, còn có hiện tượng cứng khớp.
- Tình trạng vòng kiềng không cải thiện sau khi bé đã 2 tuổi. Cha mẹ nên đưa trẻ trên 2 tuổi đi khám nếu trẻ vẫn còn chân vòng kiềng chưa được khắc phục để xác định nguồn gốc và điều trị, tránh để bệnh kéo dài cho đến khi trẻ trưởng thành.
Trên đây là những thông tin hữu ích về nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết bé bị chân vòng kiềng. Các mẹ cần chú ý quan sát bé thường xuyên, phát hiện và sớm khắc phục để bé có thể phát triển toàn diện.